Cao huyết áp là bệnh lý mãn tính người bị bệnh phải sử dụng thuốc đến trọn đời và không được ngưng thuốc dù huyết áp mục tiêu đã đạt được.
Người bị tăng huyết áp dễ bị đột tử
Chết vì nghĩ huyết áp đơn giản
Anh Trần Mạnh Trung 43 tuổi trú tại Bắc Giang được chẩn đoán tăng huyết áp nhưng anh Trung nghĩ đây là bệnh bình thường ai cũng mắc mà không dùng thuốc điều trị. Thời tiết nắng nóng, da anh lúc nào cũng đỏ rực lên, bóng mỡ. Người nhà bảo anh nên kiểm tra sức khoẻ thì anh Trung chủ quan nghĩ rằng mình khoẻ nên không đi đến để bác sĩ tư vấn.
Một lần sau khi đi làm về, anh Trung vào quán bia, vừa ngồi xuống bàn anh bị liệt cứng hàm không nói được gì. Người thân xung quanh gọi xe cứu thương đưa vào Bệnh viện cấp cứu thì anh Trung đã toàn thân bất động, cấm khẩu.
Bác sĩ cho tiến hành chụp CT chẩn đoán đứt mạch máu não. Sau 5 ngày nằm viện không có kết quả, gia đình đưa anh về nhà để chết ở nhà.
Tại khoa A9 Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên gặp những bệnh nhân trẻ có tiền sử bị tăng huyết áp nhưng không được điều trị và chủ quan không điều trị.
Đa số bệnh nhân nghĩ đó là bệnh bình thường họ chỉ uống thuốc lúc huyết áp lên cao, còn khi huyết áp bình thường họ bỏ không sử dụng thuốc.
Chị Trần Quỳnh Hương trú tại phố Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội tâm sự bố chị bị tăng huyết áp cả chục năm nay nhưng ông cụ rất chủ quan không uống thuốc và không chịu bỏ thuốc lá.
Mỗi lần thấy các triệu chứng của tăng huyết áp ông mới uống viên thuốc hạ áp, còn lại cứ sống chung với nó. Cụ rất bảo thủ nên con cái khuyên kiểu gì cũng không được. Cứ đến mùa nắng nóng và mùa đông chị Hương lại đứng ngồi không yên chỉ lo ông bị đột quỵ do huyết áp tăng.
Tăng huyết áp - căn bệnh phải điều trị suốt đời
Giáo sư Nguyễn Lân Việt – Chủ tịch hội tim mạch học Việt Nam cho biết, rất nhiều người còn coi thường bệnh lý tăng huyết áp. Họ chỉ uống thuốc khi huyết áp lên cao mà không có thói quen uống thuốc và đo huyết áp hàng ngày. Để kiểm soát huyết áp tốt nhất nên đo kiểm tra một ngày 2 lần vào thời điểm nhất định nào đó để quản lý huyết áp của mình tốt nhất.
Ngoài ra, đây là bệnh mạn tính nên cần theo dõi đều, điều trị đúng và đầy đủ hằng ngày, điều trị lâu dài; mục tiêu điều trị là đạt "huyết áp mục tiêu" và giảm tối đa "nguy cơ tim mạch"; "huyết áp mục tiêu" cần đạt là dưới 140/90mmHg và thấp hơn nữa nếu người bệnh vẫn dung nạp được.
Khi người bị tăng huyết áp đã đạt được huyết áp bình thường vẫn phải điều trị thường ngày để duy trì huyết áp đó. Đây là bệnh lý người bệnh phải sử dụng suốt đời. Điều mà các chuyên gia tim mạch đều lo lắng và đưa ra cảnh báo cho bệnh nhân tăng huyết áp nhất là bệnh nhân trẻ tuổi đó là họ không từ bỏ thói quen ảnh hưởng đến huyết áp.
Khi bị tăng huyết áp ngoài điều trị bằng thuốc, người bệnh cần phải có các biện pháp tích cực thay đổi lối sống trong điều trị tăng huyết áp. Đó là chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng: Giảm mặn (dưới 6g muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày), tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và acid béo no.
Nếu người bệnh thừa cần béo phì phải tích cực giảm cân duy trì cân nặng lý tưởng với BMI từ 18,5 đến 23kg/m2. Cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.
Hạn chế uống rượu, bia: số lượng ít hơn 3 cốc/ngày (nam), ít hơn 2 cốc/ngày (nữ) và tổng cộng ít hơn 14 cốc/tuần (nam), ít hơn 9 cốc/tuần (nữ): cốc tiêu chuẩn tương đương với 340ml bia hoặc 140ml rượu vang, hoặc 40ml rượu nặng. Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày. Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý. Tránh bị lạnh đột ngột.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét