;

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Chữa bệnh viêm gan siêu vi bằng đông y

Nhiều nghiên cứu hiện nay cho biết một số thảo dược lợi thấp thanh nhiệt và nhuận gan giải độc của Đông y có hàm lượng cao những chất chống oxy hoá có thể đáp ứng tốt việc điều trị viêm gan siêu vi a do tác dụng làm giảm quá trình peroxide hoá lipid ở gan và tăng cường chức năng gan.

Triệu chứng.

Viêm gan siêu vi trùng là một loại bệnh nhiễm trùng làm suy giảm chức năng của Can, Tỳ.  Bệnh thường biểu hiện qua các triệu chứng hay mệt mỏi, chán ăn, giảm cân, đau hạ sườn phải, sốt nhẹ, nước tiểu vàng sẩm, có kèm theo vàng da, vàng mắt hoặc không.  Nếu không được điều trị,  bệnh có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.

Nguyên nhân.

Viem gan siêu vi thuộc phạm vi các chứng hoàng đản của y học cổ truyền.  Ở những người cơ thể suy nhược, ăn uống không hợp lý, tình chí không thoải mái, Can không được sơ tiết thường làm tổn thương Tỳ Vị.  Tỳ Vị hư nhược, hàn thấp hoặc thấp nhiệt uất kết ở trung tiêu lại gặp phải thời khí ôn dịch dễ dẫn đến viêm gan.  Theo các nhà khoa học, có nhiều loại siêu vi gây ra viêm gan. Nguy hiểm nhất là 2 loại siêu vi B và C.  Tuy nhiên, không nhất thiết người mang mầm bệnh sẽ dẫn đến viêm gan.  Hiện nay, người ta ước tính có khoảng 3% dân số thế giới mang mầm bệnh siêu vi gan, 90% số người trong tỷ lệ nầy mang trong mình virus viêm gan C nhưng không được phát hiện.  Những người này  không có bất cứ biểu hiện gì của bệnh cho đến khi hàng chục năm sau tình cờ qua một xét nghiệm nào đó cho thấy có sự hiện diện của mầm bệnh hoặc khi bệnh phát triển do cơ thể suy yếu.  Thực tế nầy cũng phù hợp với quan điểm của y học cổ truyền trong việc phân định 2 yếu tố thấp nhiệt uất kết và thời khí ôn dịch đối với nguyên nhân gây ra viêm gan.  Yếu tố thời khí ôn dịch liên quan đến các loại siêu vi.  Nói cách khác, bệnh chỉ phát triển khi hội đủ 2 yếu tố thấp nhiệt và siêu vi.  Thấp nhiệt là điều kiện cần thiết cho sự phát triển của  siêu vi.

Cách chữa.

Kiện Tỳ, lợi thấp. Hàn có thể sinh thấp, thấp có thể sinh nhiệt.  Hàn thấp hay thấp nhiệt tuỳ vào cơ địa, yếu tố chánh yếu vẫn là do thấp.  Vì “Tỳ ố thấp”, nên Tỳ và thấp là tương quan giữa chính khí và tà khí trong bệnh viêm gan.  Kiện Tỳ để nâng cao chính khí chống lại tà khí.  Mặt khác, cần lợi thấp để thanh giải tà khí và bảo vệ khí hoá của Tỳ Vị.  Tuỳ theo sự mạnh yếu của chính khí, kiện Tỳ có thể chỉ là một vài vị thuốc cay, ấm để kích thích tiêu hoá như hậu phác, vỏ bưởi, gừng hoặc thêm một số vị để bổ khí như nhân sâm, hoàng kỳ, đinh lăng, ngũ vị tử.  Lợi thấp thường dùng những vị thuốc lợi tiểu hoặc tả hạ để hoá thấp theo 2 đường đại tiểu tiện.
Nhuận gan, giải độc.  Nhuận gan, giải độc vừa nâng cao chức năng của gan vừa ngăn chận sự phát triển của tà độc.  Theo các nhà khoa học, những tác nhân gây viêm gan hoặc hoại tử tế bào gan thường bắt đầu từ sự gia tăng quá trình peroxide hoá lipid ở màng tế bào.  Do đó, bảo vệ gan phải bắt đầu từ những chất chống oxy hoá có tính năng ức chế qúa trình nầy.  Những chất chống oxy hoá có rất nhiều trong các loại rau, quả, củ, nhất là những rau quả có vị chát, đắng, rau quả sậm màu hoặc màu vàng, tím, đỏ.  Theo hướng nầy, trong những năm gần đây, người ta đã nghiên cứu và phát hiện được nhiều loại rau, củ có tác dụng nhuận gan giải độc của Đông y như nhân trần, rau om, chó đẻ răng cưa . . có hàm lượng chất chống oxy hoá hướng gan có khả năng ức chế rất mạnh quá trình peroxide hoá ở gan.  Ngoài ra, những chất nầy còn làm gia tăng hàm lượng GSH ở gan làm giảm hoạt độ các enzym SGOT và SGPT trong những trường hợp viêm gan siêu vi đang tiến triển.  Cơ chế nầy có thể giải thích được những trường hợp chữa khỏi viêm gan từ kinh nghiệm dân gian bằng cách chỉ dùng một hoặc phối hợp của vài vị thuốc nam như nhân trần, chó đẻ răng cưa, rau om, lá gai, củ móp gai, quả dứa dại.  Phần lớn những vị nầy thường có vị đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, sát trùng, tiêu viêm, giải độc.  Thuốc  có thể lợi tiểu để trừ thấp, có thể nhuận gan giải độc lại cung cấp được nhiều chất chống oxy hoá để nâng cao sức miễn dịch và bảo vệ tế bào gan.

1 nhận xét: